Diễn biến Trận_Thái_Thạch_(1161)

Quân Kim: khởi đầu thuận lợi

Sau khi quân Kim nam hạ, quân Tống không đánh mà tan. Trong khoảng 1 tháng, quân Kim tiến đến Hòa Châu [1]. Nghe tin, Lưu Kĩ ôm bệnh từ Trấn Giang vượt sông tiến đến Dương Châu, phái binh lên bắc đến Bảo Ứng, Hu Dị, Hoài Âm, chuẩn bị phòng ngự Hoài Đông. Nhưng phụ trách Hoài TâyVương Quyền ở mãi Kiến Khang, dưới sự thúc giục của Lưu Kĩ, mới đi Hòa Châu; Lưu Kĩ lại nhiều lần hạ lệnh, mới đi Lư Châu.

Đầu tháng 10 ÂL, Lưu Kĩ đến Hoài Âm, thì quân Kim theo đường Hoài Tây vượt sông Hoài. Vương Quyền không hề phòng bị, nghe tin lập tức bỏ Lư Châu chạy về Hòa Châu. Lưu Kĩ bất đắc dĩ lui về Dương Châu, trong khi quân Kim áp sát Trường Giang.

Tin tức truyền về Lâm An, triều đình Nam Tống rối loạn, nhiều người đem gia thuộc bỏ trốn, Cao Tống cũng muốn chạy ra biển. Trần Khang Bá kiên quyết phản đối, Cao Tông mới vờ tỏ ý muốn thân chinh, tiếp tục kháng địch. Giữa tháng 10, lấy Tri xu mật viện sự Diệp Nghĩa Vấn làm Đốc Giang, Hoài quân, trung thư xá nhân Ngu Doãn Văn tham mưu quân sự. Lúc này quân Kim đã chiếm Chân Châu [2], Vương Quyền từ Hòa Châu trốn về Thái Thạch. Tiếp đó Lưu Kĩ phải bỏ Dương Châu về Qua Châu, rồi lại về Trấn Giang. Nhà Tống mất sạch vùng Lưỡng Hoài.

Quân Tống: văn nhân làm tướng

Trong lúc này, Kim đế biết rằng Hoàn Nhan Ung đã nhận được sự ủng hộ từ khu vực Hoàng Hà trở lên phía bắc, lại càng nôn nóng nam xâm. Ngày 8 tháng 11 ÂL (26/11), Lượng quyết định xua 40 vạn đại quân trong tay vượt sông ở Thái Thạch ki.

Diệp Nghĩa Vấn đến Kiến Khang, phái Lý Hiển Trung thay Vương Quyền. bấy giờ, Vương Quyền bị bãi chức, lập tức bỏ đi, tàn quân của ông ta vẫn ở Thái Thạch mà Hiển Trung chưa đến. Ngu Doãn Văn đi Thái Thạch khao quân, dò biết quân Kim sắp vượt sông, vội vã lên đường. Ngày 8 tháng 11, Doãn Văn đến nơi, thấy 1,8 vạn tàn quân sĩ khí xuống thấp, tản mác bên đường, đều tính chuyện bỏ trốn. Doãn Văn triệu tập chư tướng, dùng lời trung nghĩa để thuyết phục, chấn hưng sĩ khí, quyết tâm chiến đấu.

Đại chiến Thái Thạch

Ngu Doãn Văn lập tức men sông bố trận. Quân Tống đều náu mình sau núi, Hoàn Nhan Lượng cho rằng Thái Thạch trống rỗng, đưa thủy quân Kim áp sát bờ nam, mới thấy đối phương bày trận để đợi, nhân dân Đương Đồ cổ vũ kéo dài mười mấy dặm không dứt. Lượng không còn cách nào khác, thúc quân tiến lên. Thủy quân Tống dùng phần lớn là Đạp xa hải thu thuyền (loại thuyền cổ có bánh xe, mang hình dáng một loài cá voi), lớn mà linh hoạt; trong khi thuyền của quân Kim nhỏ hơn, không sao địch nổi, bị đánh cho đại bại.

Hôm sau, Ngu Doãn Văn lại phái Tân Thịnh soái thủy quân chủ động tiến đánh Dương Lâm Khẩu ở bờ bắc Trường Giang. Thuyền quân Kim rời khỏi bến, bị nỏ cứng của quân Tống bắn rát, lại bị pháo Tích lịch oanh kích, mất hơn 300 cỗ, một lần nữa chịu đại bại.